Phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Cao Bằng

Authors: Lãnh, Thị Thi

Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn của phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) đối với toàn bộ nền kinh tế cũng như với hệ thống ngân hàng và với từng người dân. Khi thanh toán KDTM được khuyến khích và đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, nó sẽ tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng và trơn tru hơn. Đây là những nỗ lực không thể phủ nhận của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong phát triển thanh toán KDTM thời gian qua, song dường như tốc độ phát triển của thanh toán KDTM vẫn chưa được như mong muốn. Để tăng thanh toán KDTM thì phải giảm thanh toán bằng tiền mặt bởi thực chất, đây là đầu của một chiếc bập bênh. Muốn vậy, cần có những giải pháp phù hợp.

Một là, thay đổi thói quen và nhận thức của người dân trong việc nhìn nhận tiền mặt là một công cụ được ưa chuộng trong thanh toán và từ lâu đã trở thành thói quen khó thay đổi của người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp.
Ở các quốc gia phát triển, thói quen tiêu dùng của dân chúng là thanh toán qua ngân hàng, mỗi công dân đều có tài khoản cá nhân trên ngân hàng, vì vậy việc phát triển dịch vụ thanh toán của ngân hàng rất dễ dàng. Trong khi đó, ở các quốc gia kém phát triển hoặc đang phát triển, trình độ dân trí còn hạn chế, thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức của dân chúng, cho nên việc triển khai thanh toán KDTM gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, muốn phát triển thanh toán KDTM thì trước hết phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này. Nếu người dân có hiểu biết đầy đủ hơn thì họ sẽ cảm thấy an toàn hơn, thuận tiện và thoải mái hơn khi sử dụng dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, từ đó tất yếu nảy sinh nhu cầu sử dụng.
Việc tuyên truyền một cách cụ thể cho các hoạt động thanh toán KDTM hiện nay trong nền kinh tế (chứ không phải tung hô cho các hình thức thanh toán mới) sẽ khiến khách hàng hiểu hơn, nắm được ưu nhược điểm của từng hình thức, rồi từ đó tự quyết định chọn lựa hình thức phù hợp nhất với mình. Có như vậy, những thay đổi này mới thực sự xuất phát từ nhu cầu tự thân và mới khiến cho khách hàng xóa đi thói quen và tập quán thanh toán chi tiêu bằng tiền mặt.
Hai là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế giám sát trong thanh toán KDTM. Thực tiễn phát triển nhanh và mạnh các hoạt động thanh toán KDTM như vậy đã đặt ra các yêu cầu đòi hỏi nhất định về cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động, dịch vụ thanh toán mới. Những nội dung cần hoàn thiện không chỉ là hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến các hoạt động thanh toán nói chung trong nền kinh tế, cả thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán KDTM mà còn cần tạo lập một môi trường cạnh tranh công bằng, bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường và tiếp cận dịch vụ đối với các chủ thể có chức năng tương tự như nhau; hình thành cơ chế bảo vệ khách hàng hữu hiệu và bảo đảm quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả và khách quan.
Phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động thanh toán, trên cơ sở đó, kiểm soát rủi ro pháp lý thích hợp và đảm bảo phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế được các định chế tài chính, tiền tệ quốc tế khuyến nghị hoặc được áp dụng chung ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Ba là, hiện đại hoá công nghệ và các hệ thống thanh toán. Xây dựng một hệ thống thanh toán hiện đại là mục tiêu dài hạn của ngành ngân hàng Việt Nam. Một hệ thống thanh toán được tổ chức tốt hơn, an toàn hơn, ít rủi ro hơn thì không chỉ làm tăng doanh số thanh toán, làm cho dịch vụ thanh toán ngày càng trở nên hoàn thiện hơn trong mắt của người tiêu dùng mà còn góp phần hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của các dịch vụ khác phát triển. Hiện đại hoá hệ thống thanh toán điện tử của ngân hàng sẽ giúp ngân hàng xây dựng được kết cấu hạ tầng hiện đại để cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng, ngày càng thoả mãn tốt hơn các nhu cầu của khách hàng, giảm chi phí vận hành, tăng cường hiệu quả quản lý và tăng hiệu quả kinh doanh.
Ngoài ra, cần có những biện pháp trấn áp một cách có hiệu quả vấn đề liên quan đến gian lận trong hoạt động này. Gian lận phát sinh chủ yếu liên quan đến gian lận tài khoản thẻ và thẻ giả, tiếp sau là các loại hình khác như thẻ mất cắp, thất lạc… Trong đó, gian lận tài khoản thẻ thường xảy ra với các giao dịch không xuất trình thẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn đáng kể so với gian lận thẻ giả.

Title: Phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Cao Bằng
Authors: Lãnh, Thị Thi
Issue Date: 2016
Publisher: Đại học Quốc gia Hà Nội
Citation: 95 tr.
URI: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/17214
Appears in Collections: Luận văn – Luận án (LIC)

Leave a comment